KỶ NIỆM HỌC ĐƯỜNG
Đồng chí Mai Thị Thơ, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương,Nguyên Bí thư Huyện ủy,
nguyên Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng,
Cựu học sinh khóa 1977 - 1980
Chớm thu, trời se lạnh. Những buổi đi làm ngang qua cổng những ngôi trường trong thành phố, tự nhiên tôi cứ bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm học đường. Những kỷ niệm không thể phai mờ, gắn với ngôi trường THPT Cẩm Giàng yêu quý, nơi tôi cùng bạn bè đã để lại biết bao thương mến, dấu yêu!
Trong nỗi nhớ về tuổi học trò hồn nhiên, mơ mộng, hình ảnh cô giáo chủ nhiệm dạy Toán ngày xưa hiện lên rõ nhất. Ngày ấy, lớp 10B của chúng tôi do cô Nguyễn Thị Hồng Cẩm làm chủ nhiệm. Với lũ con gái mới lớn của một vùng thôn quê còn nghèo khó như huyện Cẩm Giàng quê tôi, cô Hồng Cẩm thực sự là một niềm ngưỡng mộ. Không chỉ vì cô còn rất trẻ, chưa lập gia đình, xinh đẹp và hiền dịu trên bục giảng, luôn trìu mến đối với lũ học trò quê nghịch như quỷ sứ mà còn vì cô là con gái Hà Nội, từng lời ăn, tiếng nói hay cử chỉ của cô đều toát lên vẻ thanh lịch, tinh tế lạ lùng. Những năm 1977 - 1980, quãng thời gian tôi theo học trường THPT Cẩm Giàng, đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, khó khăn còn chồng chất, cuộc sống của nhân dân còn rất đỗi gieo neo. Dĩ nhiên Cẩm Giàng quê tôi cũng không là ngoại lệ. Ngày ấy, cả huyện mới có một ngôi trường cấp III. Nhiều học sinh chỉ học hết cấp II, thậm chí là cấp I đã bỏ học rồi, để ở nhà đi lao động phụ giúp mẹ cha. Cho nên, những ai học được lên cấp III là “oách” lắm. Chúng tôi một buổi đến trường học, buổi còn lại cũng miệt mài lao động trên đồng ruộng. Vì thế, cũng không ít các trò lười được áp dụng. Đến trường thì chớ, về tới nhà là nhiều khi sách vở vẫn còn nguyên trong cặp. Buổi chiều đi làm mệt nhoài, tối chỉ muốn lăn ra ngủ sớm. Thế nhưng cô Hồng Cẩm nghiêm khắc với chuyện học vô cùng. Cô thường nói với chúng tôi “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”. Đất nước ta còn nghèo, mọi người phải nỗ lực chung tay dựng xây đất nước cho đẹp giàu. Muốn thế, lứa tuổi trẻ chúng tôi phải gắng sức học hành. Khuyên bảo đã vậy, cô còn xây dựng một quy định rất nghiêm: tất cả học sinh trong lớp, buổi tối phải ngồi học bài nghiêm túc, không ai được đi ngủ trước 10 giờ đêm.
Từ khi ban hành quy định ấy, cô Hồng Cẩm tối nào cũng đi đến nhà học trò để kiểm tra. Ở làng quê, trừ những hôm có trăng, còn lại cứ mặt trời lặn là màn đêm bao phủ, tối đen. Đến lũ chúng tôi nghịch ngợm là thế mà có đứa còn sợ ma, nếu một mình là không dám ra khỏi nhà vào buổi tối. Tiếng ếch nhái, tiếng côn trùng rỉ rả trong các ngõ xóm ban đêm khiến những người yếu bóng vía không khỏi rùng mình. Thế nhưng cô Hồng Cẩm tối nào cũng vậy, cứ một mình xách chiếc đèn bão con con, đi đến từng nhà học trò để kiểm tra. Một hôm, tôi vừa lên giường, buông màn, thiu thiu ngủ thì cô Hồng Cẩm đến. Nghe tiếng cô, tôi bật dậy và không quên dụi mắt nhìn chiếc đồng hồ để bàn bé tí trên nóc hòm thóc. Chưa nhìn ra mấy giờ, nhưng tôi biết là mình đã đi ngủ sớm hơn so với giờ quy định của cô. Một mớ bài tập toán vẫn còn chưa làm xong trong cặp sách… Cô Hồng Cẩm dịu dàng nhưng nghiêm khắc, bảo: Thơ à, bây giờ mới 21h15. Chưa đến giờ ngủ nhé! Em ôn lại bài vở đi, kiểm tra xem làm bài tập xong chưa, mai cô gọi lên bảng. Tôi vừa ngượng ngùng, vừa lo lắng. Nhìn theo bóng dáng mảnh mai của cô xách chiếc đèn bão đi khuất vào ngõ vắng, tự dưng tôi thấy ân hận vô cùng. Tôi châm ngọn đèn dầu, ngồi vào bàn học với hình ảnh chiếc đèn bão cần mẫn của cô đung đưa theo mỗi bước chân, tỏa vào đêm một quầng sáng con con, ấm áp…
Từ đó, mỗi tối, tôi đều ngồi miệt mài cùng sách vở. Không khi nào tôi đi ngủ trước 10 giờ đêm nữa và tôi thầm hứa với mình sẽ không để cô phải buồn, phải nhắc nhở mình. Trước đó, tôi rất “dị ứng” với môn Toán, một môn học khô khan và khó. Mỗi khi ngồi trước những bài toán cô giáo giao, tôi thường uể oải, chán nản và vì thế, rất nhiều lần tôi không thể nào làm xong bài tập. Nhưng từ khi bị kiểm tra đột xuất giờ tự học ở nhà, lại được cô Hồng Cẩm vừa nghiêm khắc nhắc nhở, phê bình lại vừa dịu dàng động viên cố gắng, tôi đã nuôi quyết tâm môn Toán học khó tính. Ở lớp, tôi tập trung cao độ vào lời cô giảng. Về nhà, tôi không bỏ qua bất cứ bài tập nào cô giao. Bài tập khó, tôi ngồi suy nghĩ, tìm mọi cách để giải. Không giải được, tôi nhờ cô giảng lại từng chút một. Cứ thế, mưa dầm thấm lâu, tôi yêu môn Toán lúc nào không hay. Mỗi ngày đến lớp, tôi đều ngóng chờ đến tiết Toán, để được nhìn bóng dáng thân thương của cô chủ nhiệm trên bục giảng, được nghe những lời cô giảng… Không chỉ mình tôi, cả lớp 10B ngày ấy đều yêu hơn môn Toán bởi cô giáo chủ nhiệm tuyệt vời. Những điểm 9, điểm 10 môn Toán đã xuất hiện trong vở, trong bài kiểm tra của tôi. Và sau này, khi tốt nghiệp cấp III, tôi cũng chọn thi Đại học khối B với ba môn Toán, Hóa, Sinh. Không phụ lòng cô Hồng Cẩm cùng các thầy cô giáo trường THPT Cẩm Giàng ngày ấy, tôi đã đỗ Đại học với điểm số cao.
Bồi hồi nhìn lại, đã 36 năm trôi qua từ ngày lứa học trò khóa 1977-1980 chúng tôi rời mái trường THPT Cẩm Giàng. Trường xưa vẫn đấy mà bè bạn, thầy cô đã muôn phương. Chúng tôi, lứa chim non ngày nào đã tung cánh bay đi khắp các phương trời rộng lớn. Thầy cô xưa, người còn cũng đã tuổi cao… Nhiều thầy cô đã về với đất Mẹ vĩnh hằng. Cô Hồng Cẩm cũng đã tóc hoa râm. Xa mái trường THPT Cẩm Giàng, cô về Hà Nội công tác và nghỉ hưu tại đó. Ở tuổi ngoài 70, vóc dáng cô vẫn mảnh mai, thanh tú, nét mặt cô vẫn dịu dàng, hiền hòa như thế. Giọng nói, tiếng cười của cô hình như vẫn không hề thay đổi theo thời gian. Chỉ cần nghe giọng cô, bao kỷ niệm thời áo trắng lại ùa về. Dường như cô vẫn là cô Hồng Cẩm của gần 40 năm về trước, say sưa trên bục giảng còn chúng tôi vẫn là lứa học trò ngây thơ, vụng dại, được cô dìu dắt ân cần. Thời gian có thể làm biến đổi thật nhiều thứ trong cuộc đời này nhưng những kỷ niệm, những ân tình cô trò vẫn mãi mãi vẹn nguyên, đẹp đẽ.
Lớp 10B năm nào của chúng tôi giờ mỗi người mỗi ngả. Nhiều bạn thành đạt, giữ các chức vụ quan trọng từ trung ương đến tỉnh, huyện, … nhưng cứ đến ngày 2/9 hàng năm, khi tiếng trống khai trường năm học mới chuẩn bị bồi hồi vang lên thì lớp tôi lại đúng hẹn tề tựu bên nhau. Những cuộc họp lớp ấy không thể thiếu cô Hồng Cẩm. Chúng tôi bên nhau, bên cô, ôn lại bao kỷ niệm đáng nhớ của tuổi học trò. Ôn lại bao ân tình sâu đậm của cô, của các thầy cô giáo trường THPT Cẩm Giàng đã dành cho chúng tôi. Những ân tình ấy đã giúp chúng tôi trưởng thành, nâng đỡ chúng tôi trên bước đường đời nhiều chông gai, khúc khuỷu để sống vững vàng hơn, thẳng ngay hơn, có ích hơn. Một trong những lời dạy của cô mà chúng tôi nhớ mãi, đó là: các em hãy sống cho trung thực. Các cụ ta đã dạy: đói cho sạch, rách cho thơm. Cuộc sống dẫu còn nhiều gian khó thì các em vẫn phải gắng vươn lên, sống như hoa sen vượt khỏi bùn đen để tỏa hương thơm ngát. Đừng vì bất cứ lý do gì mà đánh mất lòng trung thực, trong sạch, thẳng ngay; đừng bao giờ dối trá hay tham lam, trộm cắp! Lời cô dạy đã thành ngọn đuốc soi đường. Tập thể 10B năm nào về bên cô mỗi lần họp lớp đều rất đỗi tự hào vì chúng tôi đã sống như lời cô dạy!
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 sắp đến rồi! Trường THPT Cẩm Giàng chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập. Tôi và các bạn về đến trường lại rất vui mừng trước sự đổi thay lớn mạnh của nhà trường: đội ngũ CBGV, CNV ngày càng vững vàng, CSVC ngày càng khang trang, bề thế; chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được nâng lên xứng đáng với một ngôi trường trung tâm của huyện. 50 năm đối với cuộc đời mỗi con người là khoảng thời gian tương đối dài. 50 năm đối với một ngôi trường là biết bao thế thế giáo viên đã công hiến hết mình, biết bao thệ học trò đã trưởng thành, cất cánh bay xa. 50 năm ấy cũng là biết bao ân tình, ân nghĩa các thầy cô gieo cho lớp lớp học trò. Tôi và biết bao bè bạn lớp 10B niên khóa 1977 - 1980 ngày ấy luôn giữ mãi trong tim hình ảnh đẹp đẽ của cô Hồng Cẩm và của mái trường yêu thương. Bởi vì từ nơi đó, từ những bài học của cô, chúng tôi đã được trưởng thành.
Hải Dương, tháng 10 năm 2016