SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HẢI DƯƠNG
TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CẨM GIÀNG
Video hướng dẫn Đăng nhập

 

TRƯỜNG CẤP 3 CẨM GIÀNG TRÊN VÙNG QUÊ VĂN HIẾN

Đồng chí Phạm Văn Trác, Nguyên Thường vụ Huyện uỷ,Nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng               Cựu học sinh khoá 1 (1966 -1969)

      Nhìn lại một chặng đường 50 năm, một nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi trường cấp 3 Cẩm Giàng được thành lập, chúng tôi - lứa học sinh khoá 1 của trường (1966 - 1969) nay đã lên ông lên bà, tuổi đời đều ngoại lục tuần cả rồi, thế mà sắp đến ngày Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường cảm giác vui mừng phấn khởi, tâm trạng náo nức đợi chờ vẫn dâng lên mãnh liệt. Có lẽ cũng là tâm trạng chung của những hoc trò không kể lứa tuổi, không kể thời gian chăng.

      Ngày 9 tháng 5 năm 2016 chúng tôi được Thầy Trần Văn Ta - Hiệu trưởng cùng Ban Giám hiệu nhà trường mời dự cuộc gặp mặt, thành phần gồm Ban Giám hiệu và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện là học sinh cũ của trường để thông báo kế hoạch, chương trình tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập, đồng thời cũng là báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện. Với trách nhiệm của những người làm lãnh đạo địa phương và lại là học sinh cũ của trường, chúng tôi rất phấn khởi và cùng tham gia đóng góp ý kiến vào kế hoạch chung với mong muốn tổ chức thành công lễ kỷ niệm trên tinh thần trang trọng, tiết kiệm nhưng đầy ý nghĩa. Sau khi thảo luận kỹ, tất cả mọi người đều nhất trí cao với nội dung, chương trình và thời gian tổ chức Lễ kỷ niệm vào tháng 11/2016. Tất cả đều có chung một ý thức chuẩn bị và tâm trạng mong chờ ngày sinh lần thứ 50 của ngôi trường mà mình gắn bó 3 năm cuối nhưng vô cùng quan trọng của quãng đời học sinh phổ thông để rồi sau đó như đàn chim bay đi muôn ngả.

     Cũng từ mái trường này, hàng nghìn học sinh Cẩm Giàng đã trưởng thành và lớn lên từ những lời dậy của Thầy, Cô trong suốt 50 năm qua, nhiều người có học hàm giáo sư, Phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, nhiều người giữ trọng trách cao trong các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang. Có một điều chung nhất mà tôi cảm nhận được là phần lớn những người thành đạt từng là học sinh của trường cấp 3 Cẩm Giàng đều có ý thức tự giác, tự rèn luyện để phấn đấu vươn lên trong cuộc sống và công tác, sống trung thực, thẳng thắn được mọi người tín nhiệm, tin yêu.

     Sông có nguồn, cây có gốc, phải chăng những thành công của các thế hệ học sinh Cẩm Giàng thời đại ngày nay được kế thừa từ truyền thống của cha ông xưa. Nói về đạo học, chúng ta tự hào vì được sinh ra và lớn lên từ mảnh đất này - mảnh đất Xứ Đông ngàn năm văn hiến. Trong suốt chiều dài lịch sử gần một nghìn năm kể từ năm 1075 đến 1919, các triều đại phong kiến tổ chức thi tuyển kén chọn nhân tài cho đất nước, cả nước có 2868 người đỗ đạt trạng nguyên, tiến sỹ và các học vị tương đương thì Hải Dương có 638 người, chiếm 22,2% đứng đầu cả nước về hàng Tỉnh, huyện Nam Sách đứng đầu cả nước về hàng huyện với 125 tiến sỹ, làng Mộ Trạch xã Tân Hồng, huyện Bình Giang đứng đầu cả nước về hàng làng, xã với 39 vị tiến sỹ trong một làng. Nếu tính theo địa danh tỉnh Hải Dương mới sau này sau khi chuyển một số xã về huyện Vĩnh Bảo - Hải Phòng, về Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh thì số tiến sỹ của Hải Dương còn 470 người (chiếm 16,8%) vẫn cao nhất cả nước. Trong đó huyện Cẩm Giàng có 51 vị, chiếm 10,8% - là một huyện có số người đỗ đạt cao của tỉnh. Toàn huyện có 19 xã thì 13 xã có người đỗ đạt, trong đó 4 xã có nhiều người đỗ là Ngọc Liên 9 người, Kim Giang 8 người (6 người trong cùng một thôn), Cẩm Sơn 8 người (6 người họ Phạm), Cẩm Vũ có 7 người (có 3 người họ Phạm trong một gia đình). Đó cũng là điều đặc biệt. Chính truyền thống của cha ông xưa đã truyền lại cho thế hệ con cháu ngày nay của Cẩm Giàng tiếp tục phát huy và nhân lên mãi cho xứng với nguồn cội quê hương. Ngày nay Trường THPT Cẩm Giàng vẫn nằm trong tốp 200 trường THPT dẫn đầu cả nước do Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp hạng.

       Nhìn thấy quy mô trường, lớp, thấy đội ngũ các Thầy, Cô và các bạn học sinh ngày nay khỏe mạnh, ăn mặc đẹp đẽ, đến trường bằng xe máy điện, xe đạp điện - lứa "học sinh già" chúng tôi vô cùng phấn khởi và tự hào, tự hào vì trường của mình đã không ngừng phát triển đi lên cùng đất nước. Có lẽ các bạn học sinh ngày nay không thể hình dung nổi cách đây 50 năm ngôi trường của chúng ta hình thù ra sao, học sinh đi học bằng phương tiện gì, cuộc sống của các Thầy, Cô thế nào... Nếu không có ý thức với lịch sử có thể có bạn lại cho rằng lại "ôn nghèo kể khổ". Nhưng không, chúng ta phải biết tôn trọng lịch sử, phải biết điểm xuất phát của mình từ đâu để so sánh, để tự hào với những thành quả mà trường mình đã có được hôm nay.

       Năm 1966 chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ vô cùng ác liệt ra miền Bắc, trường cấp 3 Cẩm Giàng được thành lập trong bom đạn của kẻ thù với quy mô 3 lớp 8, 2 lớp 9 (hệ 10 năm). Cơ sở vật chất của trường chưa có gì mà phải đi lên từ hai bàn tay trắng. Địa điểm của trường được chọn sơ tán về thôn Bến và các thôn khác thuộc xã Cẩm Định. Thầy Cừ là Hiệu trưởng đầu tiên của trường, sau đó là Thầy Đạt, các Thầy, Cô giáo hầu hết là người Hà Nội mới tốt nghiệp Đại học sư phạm ra trường với nước da trắng trẻo, thân hình mảnh mai thư sinh. Các Thầy, Cô đã tình nguyện về đây cùng với đám học sinh ở vùng quê chân lấm tay bùn, gầy gò, đen nhẻm do thiếu ăn, thiếu mặc để cùng cuốc những nhát cuốc đầu tiên đắp tường dựng lán học tranh tre, nứa lá. Dưới gầm những chiếc bàn dài ngoẵng 5 đứa ngồi là giao thông hào để khi có máy bay ném bom là tụt ngay xuống hầm tránh bom. Hai năm sau do chiến tranh ngày càng ác liệt trường lại phải sơ tán về xã Cẩm Đông, một lần nữa Thầy trò lại phải tháo dỡ lán học, dùng vai khênh bàn ghế, đồ dùng học tập đi bộ gần chục cây số sang Cẩm Đông dựng lại lán học (ngày đó chưa có xe cải tiến và phương tiện hỗ trợ khác).

Không thể nói hết những vất vả, gian nan của những học trò nghèo, hàng ngày cuốc bộ hàng chục cây số đến trường. Năm lớp 10 nhiều bạn ở xa trường phải rủ nhau trọ lại trong nhà dân, bắt đầu cuộc sống xa nhà. Hàng tuần về nhà được gia đình "cung ứng" vài bơ gạo, ít khoai khô, sắn khô gánh theo bó củi đi bộ đến nhà trọ cùng nhau học nhóm, ôn thi. Nhân dân Cẩm Đông lúc đó cũng rất nghèo nhưng đã hết lòng đùm bọc, giúp đỡ chúng tôi như con em trong nhà nên mặc dù khó khăn gian, khổ mà vẫn vui lắm, nghĩa tình lắm, xin cảm tạ tấm lòng của nhân dân Cẩm Đông. Bây giờ ngồi nghĩ lại tôi càng cảm phục và vô cùng trân trọng các Thầy, Cô thời đó, là những người Hà Nội gốc, chưa hề phải lao động chân tay, chưa phải dùng quạt nan những ngày nóng bức… Thế mà các Thầy, Cô đã chấp nhận về đây để dạy dỗ chúng ta, thầy trò cùng nhau đào đất đắp tường dựng lán học, cùng ăn khoai nướng với trò, đêm đêm vẫn soạn đều giáo án dưới ánh đèn dầu đỏ choẹt và đầy khói. Tình cảm thầy trò vô cùng gần gũi và sâu đậm, ngoài phần dạy về kiến thức văn hoá còn là các kiến thức xã hội, văn nghệ, thể thao...  Hình ảnh Thầy Cừ, Thầy Đạt, Thầy Quang, Thầy Đức, Thầy Chi, Thầy Cư, Cô Hùng, Cô Ngân, Cô Phóng, Cô Thục Đức... mãi mãi là những hình ảnh không thể nào quên trong tâm trí chúng em.

Về dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường, với tâm trạng của một học sinh cũ nay đã ngoài sáu mươi tuổi mà sao vẫn cảm thấy náo nức, đợi chờ như thuở còn trai trẻ. Náo nức mong chờ được gặp lại các Thầy, Cô, bè bạn, được tận mắt chứng kiến quá trình phát triển và những thành tích mà "trường mình" đã đạt được trong nửa thế kỷ qua. Không phấn khởi tự hào sao được khi những ngày mới thành lập chưa có gì mà nay có được cơ ngơi khang trang là thế, đội ngũ các Thầy, Cô, quy mô trường lớp và đặc biệt là những thành tích trong dạy và học của nhà trường không ngừng phát triển, là địa chỉ tin cậy của cán bộ và nhân dân Cẩm Giàng. Nhà trường đã có những đóng góp không nhỏ vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các mục tiêu phát triển giáo dục của ngành.

Phấn khởi tự hào là thế, song chúng ta cũng không khỏi bồi hồi xúc động khi về dự Lễ kỷ niệm 50 năm, một số thầy cô đã đi xa, rồi hàng chục bạn đã hy sinh thân mình cho độc lập tự do của Tổ quốc, các bạn đã nằm lại nơi chiến trường để giữ cho đất nước bình yên. Tôi tin rằng tại Lễ kỷ niệm hôm nay, hương hồn các bạn cũng đã về đây để gặp gỡ thầy cô, bè bạn, để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thuở học trò, mong các bạn tiếp tục phù hộ cho "trường mình" ngày càng phát triển đạt nhiều thành tích hơn nữa, cho xứng đáng với mảnh đất văn hiến - nơi có Văn miếu Mao Điền - trường học, trường thi của xứ Đông xưa.

Với bề dày thành tích 50 năm của trường, thế hệ học sinh ngày nay được hưởng sự ưu đãi vô cùng lớn của gia đình, nhà trường và xã hội, sự quan tâm chăm sóc của cấp uỷ Đảng, chính quyền và các đoàn thể, mong sao mỗi học sinh cần có nhận thức cho đúng, xác định động cơ học tập nghiêm túc, phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập. Đó chính là hành trang cho mình chuẩn bị bước vào môi trường mới, đồng thời cũng phải xác định trách nhiệm đã là học sinh trường THPT Cẩm Giàng thì phải biết kế tục và phát huy truyền thống của trường ngay khi còn đang học. Sau này ra trường, ra ngoài xã hội dù ở cương vị nào, ngành nghề nào cũng phải giữ được bản chất người Cẩm Giàng, tư chất của cựu học sinh THPT Cẩm Giàng, trước hết để trả ơn các Thầy, Cô, sau đó là quê hương, gia đình, đừng làm điều gì ảnh hưởng đến thanh danh của trường, mang công sức nhỏ bé của mình đóng góp cho sự phát triển đi lên của quê hương, đất nước.

Mừng ngày kỷ niệm hôm nay

     Bồi hồi nhớ lại những ngày gian nan

Nứa, tre, tường đất vài gian

     Cũng thành lớp học chứa chan tình người

Bảng đen, phấn trắng, tiếng cười

     Nghĩa tình sâu đậm một thời đạn bom

Bây giờ trường lớp khang trang

    Còn đâu vất vả gian nan thuở nào

Hãy cùng trân trọng công lao

     Thầy cô dìu dắt ta vào tương lai

Năm mươi năm chặng đường dài

      Biết bao kỷ niệm nhớ hoài trong tôi.

Hải Dương, tháng 6 năm 2016

 

   

 

 

 

 


BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Vừa qua, trong hai ngày 2 – 3/9, hòa chung không khí vui tươi, phấn khởi ngày tựu trường của cả nước, thầy và trò tường THPT Cẩm Giàng đã có một lễ khai giảng chào mừng năm học mới 2017 – 20 ... Cập nhật lúc : 21 giờ 49 phút - Ngày 10 tháng 9 năm 2017
Xem chi tiết
Trân trọng kính mời các thế hệ cựu học sinh của nhà trường về dự lễ khai giảng năm học 2017 - 2018 và đón Bằng công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia. Chương trình buổi lễ các thế hệ thấy cô, c ... Cập nhật lúc : 16 giờ 4 phút - Ngày 12 tháng 8 năm 2017
Xem chi tiết
Ngày 13 tháng 11 năm 2016, trường THPT Cẩm Giàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập. ... Cập nhật lúc : 8 giờ 57 phút - Ngày 16 tháng 11 năm 2016
Xem chi tiết
Thị xã Hải Dương, nay là thành phố Hải Dương, nơi tôi đã sống và làm việc từ năm 1955. Cẩm Giàng, từ năm 1963, tôi đã cùng tổ công tác “Cải tiến quản lý Hợp tác xã nông nghiệp” làm việc ... Cập nhật lúc : 7 giờ 3 phút - Ngày 5 tháng 11 năm 2016
Xem chi tiết
Chớm thu, trời se lạnh. Những buổi đi làm ngang qua cổng những ngôi trường trong thành phố, tự nhiên tôi cứ bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm học đường. Những kỷ niệm không thể phai mờ, gắn với ... Cập nhật lúc : 14 giờ 33 phút - Ngày 3 tháng 11 năm 2016
Xem chi tiết
Kính gửi các Thầy giáo, Cô giáo, cán bộ, nhân viên cùng toàn thể các anh, chị, em học sinh Trường THPT Cẩm Giàng thân mến. Em là Nguyễn Văn Hùng, cựu học sinh lớp G niên khóa 1993-1996, ra t ... Cập nhật lúc : 16 giờ 26 phút - Ngày 31 tháng 10 năm 2016
Xem chi tiết
Trường THPT Cẩm Giàng trân trọng kính mời các thế hệ cán bộ giáo viên, nhân viên và các thế hệ học sinh dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường và đón Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo ... Cập nhật lúc : 7 giờ 12 phút - Ngày 5 tháng 11 năm 2016
Xem chi tiết
Nhìn lại một chặng đường 50 năm, một nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi trường cấp 3 Cẩm Giàng được thành lập, chúng tôi - lứa học sinh khoá 1 của trường (1966 - 1969) nay đã lên ông lên bà, t ... Cập nhật lúc : 23 giờ 24 phút - Ngày 24 tháng 10 năm 2016
Xem chi tiết
Năm 2016, trường THPT Cẩm Giàng kỷ niệm 50 năm thành lập (1966-2016) và đón nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là dịp ôn lại quá trình hình thành và phát triển của nhà trường, cô ... Cập nhật lúc : 10 giờ 4 phút - Ngày 26 tháng 9 năm 2016
Xem chi tiết
Sáng 5-9, thầy và trò Trường Cẩm Giàng đã long trọng tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2016-2017 Tới dự buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo địa phương, các bác đại diện ban cha mẹ học sinh, c ... Cập nhật lúc : 9 giờ 37 phút - Ngày 23 tháng 9 năm 2016
Xem chi tiết
1234
DANH MỤC
ĐỀ THI, CHUYÊN ĐỀ
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA
Chế độ cho điểm tối thiểu năm học 2012 - 2013.
Kế hoạch tổ chức Hội thảo“Đổi mới kiểm tra đánh thông qua biên soạn đề kiểm tra, xây dựng thư viện câu hỏi, bài tập môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý trong trường THCS và THPT” của Sở GD.gữ văn, Lịch sử, Địa lý trong trường THCS” của Phòng GD.
Đề thi HSG môn Văn năm học 2012-2013 của Thành phố
Đề thi HSG môn Toán năm học 2012-2013 của Thành phố
Đề thi HSG môn Anh năm học 2012-2013 của Thành phố
Đề thi HSG môn Địa lí năm học 2012-2013 của Thành phố
Một số phương pháp dạy học tích cực.
Những điểm mới trong Thông tư 58 so với Quy chế 40 và Thông tư 51 về kiểm tra đánh giá học sinh.
VĂN BẢN CỦA NHÀ TRƯỜNG